Bản tin BIP Number 3 năm 2020: Gãy cổ xương đùi không điển hình và biphosphonat

Một bệnh nhân 85 tuổi, bị loãng xương được điều trị bằng risedronat từ tháng 1/2019 và denosumab vào tháng 4/2019. Tháng 1/2020, bệnh nhân được cấp cứu vì gãy đôi xương đùi sau khi ngã từ trên cao xuống.

 

 

 

Thuốc bisphosphonat (BP) và denosumab được chỉ định để giảm nguy cơ gãy xương hông và gãy xương do loãng xương. Tuy nhiên, gãy xương đùi không điển hình có thể xảy ra ở những bệnh nhân loãng xương sau mãn kinh được điều trị bằng các thuốc này. Nguy cơ đã được liệt kê trong tờ hướng dẫn sử dụng thuốc của tất cả các thuốc nhóm biphosphonat từ năm 2011 và của denosumab (biệt dược Prolia®) từ năm 2013. Các công bố gần đây đã một lần nữa khẳng định nguy cơ của bisphosphonat (N Engl J Med. 2020;383:743).

 

Trong nghiên cứu, hiệu quả của bisphosphonat đã được đánh giá trên 198 129 phụ nữ loãng xương, đa số được điều trị bằng alendronat (Fosamax®) trong mười năm. Các tác giả đã ghi nhận 277 ca gãy xương đùi không điển hình. Sau khi hiệu chỉnh, phân tích cho thấy rằng, phụ nữ được điều trị bằng bisphosphonat từ 3 đến 5 năm có khả năng gãy xương cao hơn gần 9 lần so với những người điều trị thuốc với thời gian không quá 3 tháng (HR = 8,9; KTC 95%: 2,8-28,2). Nguy cơ tăng đến 20 lần khi sử dụng thuốc trong vòng 5 đến 8 năm (HR = 19,9; KTC 95%: 6,3-62,5) và nguy cơ tăng đến 43 (HR = 43,5; KTC 95%: 13,7-138,2) khi thời gian điều trị kéo dài hơn 8 năm.

 

Các yếu tố nguy cơ khác bao gồm yếu tố chủng tộc (phụ nữ châu Á gấp 5 lần so với phụ nữ da trắng), chiều cao thấp, thừa cân và sử dụng glucocorticoid. Ngừng bisphosphonat có liên quan đến giảm nhanh nguy cơ gãy xương không điển hình. Các tác giả chỉ ra rằng nguy cơ gãy xương đùi không điển hình tăng đáng kể theo thời gian điều trị bisphosphonat, đặc biệt trường hợp sử dụng quá 5 năm. Mặc dù nguy cơ này vẫn thấp khi so sánh với nguy cơ gãy xương do loãng xương khác, đặc biệt ở phụ nữ da trắng, tuy nhiêncân bằng giữa lợi ích/nguy cơ lại không thuận lợi trên nhóm phụ nữ chủng tốc gốc châu Á.

 

Nguồn: Bulletin d’Informations de Pharmacologie Clinique de la région Occitanie (BIP Occitanie 2020). 27(3): 45 - 69.

 

 

Tác giả: Bác sĩ Virginie Brès và bác sĩ Pascale Palassin – Montpellier

Người dịch: DS. Vũ Đức Hoàn, DS. Nguyễn Ngọc Triển